Hà Nội, ngày 22/3/2017, tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) – Đối tác chiến lược của AFV, Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (TCLN) và Hội Chủ rừng Việt Nam (VIFORA) đồng tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi). Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Khuyến khích người dân tham gia cải thiện quản trị rừng và giảm nghèo Việt Nam” (gọi tắt là PFG) do Chính phủ Phần Lan và ActionAid Việt Nam đồng tài trợ.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang soạn thảo Luật Lâm nghiệp thay thế cho Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004. Dự thảo Luật Lâm nghiệp đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp và tới nay đã có bản dự thảo lần thứ 5. . Tuy nhiên, trong các bản dự thảo này, vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của chủ rừng vào việc xây dựng và thực hiện Luật còn nhiều hạn chế.
Trong khuôn khổ sự án “Khuyến khích người dân tham gia cải thiện quản trị rừng và giảm nghèo Việt Nam (PFG)”, Hội chủ rừng Việt Nam, Tổng cục Lâm nghiệp và ActionAid đã thực hiện 15 cuộc khảo sát cộng đồng trong tháng 2 năm 2017 tại 5 địa bàn: Cao Bằng, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Trà Vinh và Bạc Liêu. Kết quả nghiên cứu được chia sẻ trong hội thảo ngày hôm nay, khẳng định sự phù hợp và nhân văn trong các quy định của luật về quyền và nghĩa vụ của chủ rừng. Mặt khác, nghiên cứu cũng cho thấy trên thực tế, một số quyền và nghĩa vụ của chủ rừng vẫn chưa được thực hiện do những quy định hay những văn bản dưới luật còn gây khó khăn, đặc biệt là cho người dân tộc thiểu số, phụ nữ và thanh niên. Do vậy, việc góp ý sửa đổi luật là cần thiết và rất được hoan nghênh.
Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi)” không chỉ chia sẻ những kết quả của nghiên cứu trên mà còn tạo cơ hội các bên trao đổi các vấn đề còn tồn tại trong công tác giao đất giao rừng, quản lý, bảo vệ rừng, quyền và nghĩa vụ của chủ rừng. Hội thảo đã thu hút hơn 70 đại diện đến từ các Bộ, Ban, Ngành, các Viện nghiên cứu, Ban soạn thảo Luật BVPTR (sửa đổi), các tổ chức trong và ngoài nước, và đại diện cộng đồng để cùng phản biện và đóng góp ý kiến xây dựng bộ luật này.
Ông Nguyễn Văn Chuyền , Thôn trưởng thôn 11, xã Hoà Lễ, huyện Krông Bông tỉnh Đăk Lăk chia sẻ: “Từ xa xưa, rừng không chỉ là sinh kế và còn là không gian văn hóa của người dân tộc thiểu số. Chúng tôi hy vọng văn bản luật mới sẽ phản ánh được sự gắn kết giữa người dân với rừng”.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu bày tỏ mong muốn được tiếp cận cơ sở dữ liệu rừng và thông tin quản lý ngành lâm nghiệp. Hệ thống Quản lý Thông tin ngành Lâm nghiệp (FORMIS) do đại sứ quán Phần Lan tài trợ hỗ trợ quản lý rừng theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, các ý kiến tại hội thảo cho thấy người dân vẫn chưa được tiếp cận cơ sở dữ liệu này một cách hiệu quả.
“Một trong số những kênh thông tin hữu hiệu để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin về quản trị rừng là Hệ thống Chia sẻ Dữ liệu ngành Lâm nghiệp (thuộc dự án FORMIS). Rất mong những ý kiến đóng góp tại hội thảo này sẽ được Ban Soạn thảo Luật ghi nhận, cân nhắc và đệ trình xem xét đưa vào Bộ Luật chính thức” – Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid Việt Nam phát biểu tại buổi hội thảo.
Bà Annika Kaipola, Tham tán Đại sứ quán Phần Lan, đơn vị tài trợ dự án PFG cho biết: “Hi vọng những ý kiến đóng góp của buổi hội thảo ngày hôm nay sẽ được đưa đến các cơ quan chủ quản, để luật được điều chỉnh sẽ phản ánh tiếng nói của người dân, chủ rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số”
Những thảo luận và trao đổi trong Hội thảo đã đóng góp những kiến nghị thiết thực cho Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi), góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Luật trong thực tiễn, đồng thời thúc đẩy minh bạch và công bằng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cộng đồng trong quản trị rừng tại địa phương.
Thông tin cho Biên tập viên:
Hội Chủ rừng Việt Nam (VIFORA) được thành lập năm 2016, với Ban Chấp hành bao gồm các lãnh đạo đầu ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp và các Viện Nghiên cứu trong ngành. Hội Chủ rừng Việt Nam được vận động thành lập nhằm tập hợp, đoàn kết các chủ rừng và các tổ chức, cá nhân có quan tâm đến hoạt động của các chủ rừng trên lãnh thổ Việt Nam để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ rừng theo quy định của pháp luật; giúp nhau trong quản lý rừng, sản xuất kinh doanh rừng, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng.
Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) là một thành viên của Liên đoàn ActionAid Quốc tế (AAI). AAV bắt đầu các chương trình phát triển tại các khu vực nghèo nhất và xa xôi của Việt Nam từ năm 1989, đến nay AAV đang hỗ trợ gần 30 tỉnh thành phố trên cả nước. Các hoạt động của AAV chú trọng vào nâng cao nhận thức, hiểu biết và năng lực của người nghèo và thiệt thòi, qua đó tự làm chủ cuộc sống kinh tế, xã hội và chính trị của gia đình mình, cộng đồng mình, hướng đến phát triển hài hòa, bền vững và công bằng.
Dự án “Khuyến khích người dân tham gia cải thiện quản trị rừng và giảm nghèo Việt Nam (PFG)” do Chính phủ Phần Lan và tổ chức ActionAid Việt Nam đồng tài trợ, với mục đích tạo ra một không gian mở và tương tác cho người dân cấp cơ sở, giúp họ có cơ hội tham gia vào hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp quốc gia, qua đó nâng cao tính giải trình trong quản trị rừng, góp phần giảm nghèo ở Việt Nam. Dự án PFG kết hợp hài hòa với Dự án Phát triển Hệ thống Quản lý Thông tin ngành Lâm nghiệp (FORMIS) được triển khai trước đó với hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Bộ Ngoại giao Phần Lan. Các dữ liệu được số hóa từ hệ thống này sẽ giúp nâng cao tính minh bạch của các thông tin về rừng, qua đó cộng đồng có thể kịp thời phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trong quản lý rừng, cũng như nạn tham nhũng liên quan đến nguồn lợi từ rừng. Dự án được triển khai tại 4 tỉnh Cao Bằng, Đăk Lăk, Trà Vinh và Bạc Liêu của Việt Nam.