For English version, please click on THIS LINK.
“Đây là lần đầu tiên chị nuôi lươn, sau khi thu hoạch mùa vụ đầu, chị sẽ tiếp tục nuôi và giới thiệu cho bà con, họ hàng nếu có lãi ổn định.”
Đó là lời chia sẻ của chị Thạch Thị Du (34 tuổi) tại ấp Sa Bình, một trong 12 hộ nghèo tại xã Long Đức tham gia tập huấn và trải nghiệm mô hình sinh kế nuôi lươn để cải thiện cuộc sống. Trước đó, chị buôn bán rau cải ở chợ vào 3h sáng mỗi sớm, bất kể nắng mưa, để có tiền nuôi hai con nhỏ (8-12 tuổi) ăn học, còn chồng chị thì đi làm thuê. Bình quân thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng chị khoảng 4-5 triệu đồng, nếu tháng đó công việc của chồng không bấp bênh. Đợt nào nhà cửa phát sinh thêm chi phí, chị Du đều phải vay mượn bà con họ hàng mỗi người một chút, chứ không có tiền dư để dự phòng.
Tháng 6 năm ngoái, chị được cán bộ xã giới thiệu mô hình nuôi lươn. Vì nhà chị gần bờ sông, không có đất sản xuất, nên chị phải mượn nhờ đất của bà cô, cách nhà khoảng 3km để có thể thực hiện mô hình. Chị được tham gia hai buổi tập huấn tìm hiểu về lợi ích kinh tế của việc nuôi lươn, kỹ thuật nuôi lươn thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thải ra môi trường, cách chăm sóc và các phương pháp xử lý vướng mắc trong quá trình nuôi. Gia đình được hỗ trợ 2.500 con lươn giống, trùn quế giống, thuốc thảo mộc và dinh dưỡng, nguyên vật liệu làm bể nuôi lươn. Tổng kinh phí khoảng 30.000.000 đồng. Mới đầu, chị Du còn gặp nhiều khó khăn nên nuôi lươn bị đốm, trầy xước. Song, với sự hỗ trợ và tư vấn nhiệt tình của cán bộ kỹ thuật, chị đã học được phương pháp dãy muối sát khuẩn để lươn khoẻ mạnh.
Hàng ngày, chị Du cho lươn ăn ba cữ và thay nước hai lần, sử dụng lưới mát che cho lươn khỏi lá cây và dùng bể bạt để tránh nắng. Do chỗ nuôi ở xa nhà nên mỗi ngày chị phải đi lại để chăm sóc lươn. Vất vả là vậy, nhưng chị luôn cố gắng chăm sóc đàn lươn đều đặn. Tính đến tháng 6 năm nay, đàn lươn của chị Du đã được 6 tháng. Chị sẽ thu hoạch mùa vụ đầu trong gần hai tháng nữa, dự kiến sẽ có lãi khoảng hơn 10 triệu đồng.
Chị giờ đây có thể tự chủ sinh kế hơn rất nhiều trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, không còn lo lắng và phụ thuộc vào tiền đi làm thuê của chồng như trước nữa. Không chỉ có thể chu cấp cho gia đình đều đặn, chị Du còn tự tin hơn vì là một trong những người phụ nữ đầu tiên phát triển mô hình sinh kế nuôi lươn thành công trong cộng đồng của mình. Sau mùa vụ tới, chị Du sẽ tiếp tục phát triển mô hình này. Chị sẽ không còn phải đi bán rau từ khuya đến sáng để mưu sinh nữa. Trong tương lai gần, chị mong muốn dành dụm được tiền lãi để có thể mua được đất sản xuất gần nhà hơn, thuận tiện cho công việc và chăm sóc con cái hàng ngày.
Mô hình nuôi lươn là một trong những hoạt động hỗ trợ bà con tại xã Long Đức, Phường 8 và 9, thành phố Trà Vinh phát triển sinh kế bền vững trước các tác động tiêu cực của thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai – Giai đoạn 2″ (8/2019 – 7/2022) – do tổ chức Bánh mỳ cho thế giới (BfdW) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tài trợ, với hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV).
Ngoài gia đình chị Du, Dự án hỗ trợ 12 hộ gia đình thuộc diện khó khăn trong địa bàn 3 xã, phường với tổng ngân sách hỗ trợ 398.545.000 VNĐ. Bên cạnh hai buổi tập huấn, cán bộ kỹ thuật còn tổ chức giám sát, kiểm tra tiến độ triển khai mô hình thường xuyên tại các khu vực đặt mô hình, tư vấn tại chỗ và hỗ trợ khắc phục các tình huống phát sinh trong quá trình nuôi.
Mô hình nuôi lươn thương phẩm có hiệu quả kinh tế cao, dễ thực hiện, đặc biệt với các hộ gia đình nghèo không có đất sản xuất nông nghiệp, và nguồn vốn cho thức ăn công nghiệp trong quá trình nuôi. Tại Trà Vinh, với 82,8% dân số ở khu vực nông thôn, chủ yếu là dân tộc Khmer và hộ dân thuộc diện nghèo, các tác động nghiêm trọng của BĐKH như mực nước biển dâng cao, triều cường, sạt lở… là nỗi ám ảnh thường trực tới cuộc sống mưu sinh của người dân nơi đây.