Read the full story in English HERE.
Tại xóm nhỏ Ca Lạc, xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu, nghề bán xôi là công việc chính của cô Trần Thị Tuyết, 64 tuổi, để kiếm sống qua ngày. Kinh tế gia đình hạn hẹp, gia đình 6 thành viên còn hiếm khi có nước sạch sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày vì thời tiết khắc nghiệt vào mùa hanh khô.

Mái lá nhỏ của cô Trần Thị Tuyết. Ảnh: AAV/AFV
Cô tâm sự: “Gia đình tôi thường phải chi nhiều tiền điện để bơm nước mắc lắm.” Nguồn nước sinh hoạt ít ỏi nên chị còn phải dựa vào nước thùng, dù chi phí cao.
Các hộ dân ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cũng chung hoàn cảnh tương tự. Cô Phạm Thị Phương, 66 tuổi, mẹ của một cậu con trai thất nghiệp, mỗi ngày kiếm được 100.000 đồng bằng nghề bán dừa để trang trải. Những ngày cô không đủ tiền ăn, hàng xóm hỗ trợ cô mỗi người một chút. Khi được hỏi gia đình sử dụng nước sinh hoạt như thế nào, cô chia sẻ: “Tôi nấu ăn và rửa chén bằng nước bơm hàng ngày, nhưng vì không có bình để chứa nên việc bơm nước khiến tôi tốn kém quá chừng”.

Cô Phạm Thị Phượng rửa chén hàng ngày cùng nỗi lo thiếu nước sạch sinh hoạt. Ảnh: AAV/AFV
Gia đình cô Tuyết và cô Phương là hai trong số nhiều hộ gia đình đang gặp khó khăn vì thiếu nước sạch để sử dụng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là khi mùa khô đang đến. Trước mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, phụ nữ và trẻ em luôn là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất về sức khỏe, tâm lý, thu nhập, và khả năng phát triển/hội nhập. Trong bối cảnh làn sóng COVID-19 mới xuất hiện, cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng làm mức độ nhiễm mặn ở địa phương trầm trọng hơn, đẩy những người yếu thế – như cô Tuyết và cô Phương – rơi vào tình cảnh mất sinh kế và trở thành nạn nhân của tình trạng thiếu nước sạch.
Tiếp nối thành quả hợp tác tốt đẹp vào năm ngoái tại tỉnh Bến Tre, năm nay, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) và Tập đoàn ADM Dinh dưỡng Vật nuôi Việt Nam tiếp tục cung cấp bồn nước 2000 lít cho 238 gia đình khó khăn. Lần hỗ trợ này, trong khuôn khổ dự án “Nước sạch cho cộng đồng nghèo tỉnh Sóc Trăng” giữa hai tổ chức, càng có ý nghĩa hơn khi mùa khô ở ĐBSCL đang đến gần. Với sự phối hợp chặt chẽ của UBND Thị xã Vĩnh Châu và Huyện Kế Sách, cộng đồng địa phương ở tỉnh Sóc Trăng sẽ tăng cường tốt hơn nữa khả năng chống chịu đối với hạn hán và nhiễm mặn có nguy cơ chuyển biến phức tạp trong thời gian tới.

Các hộ gia đình hưởng lợi nhận thùng nước 2.000 lít tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: AAV/AFV
Cô Tuyết và cô Phương mừng lắm khi nằm trong danh sách 238 hộ được hỗ trợ thùng nước 2000 lít ở địa phương. Trước đợt cấp phát, hai cuộc thảo luận về quản lý nguồn nước và bình đẳng giới cũng được tổ chức để trang bị thêm kiến thức cho các hộ dân. Tại đây, các thành viên cộng đồng đã được tham gia tìm hiểu các hành động thiết thực nhằm chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới trong hộ gia đình.

Khoảng một nghìn người dân tham gia đào tạo về quản lý nước sạch và bình đẳng giới trong gia đình. Ảnh: AAV/AFV
Thấm thoắt một tháng trôi qua, cô Tuyết và cô Phương giờ đây đã có thể dùng nước mưa tích trữ từ thùng mà không phải lo lắng về kinh tế nữa. “Kể từ nay trở đi, chúng tôi sẽ tiết kiệm thêm được tiền mua nước suối và tiền điện sinh hoạt hàng ngày”, hai cô hạnh phúc chia sẻ tại Lễ Tổng kết Dự án, vừa diễn ra tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.